Mặc dù, lượng hàng tồn kho BĐS còn khá lớn nhưng thị trường BĐS Việt Nam những tháng đầu năm 2019 biến động không đáng kể ở các phân khúc thị trường. Tuy nhiên, để có thể hạn chế sự tăng trưởng nóng hay tình trạng bong bóng đẩy giá BĐS lên cao vào những tháng cuối năm, cần sớm nhận diện các cơ hội và thách thức đối với thị trường BĐS Việt Nam, để từ đó có các giải pháp phù hợp, giúp thị trường phát triển ổn định, bền vững. Cụ thể:
Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Tăng trưởng GDP quý I/2019 ước tính tăng 6,79%, tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn mức tăng trưởng quý I các năm từ 2011 – 2017. Đây chính là điều kiện lý tưởng giúp cho thị trường BĐS Việt Nam có thể có mức tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm 2019.
Sự phát triển của ngành du lịch: Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,3 triệu lượt người, cao hơn mức 6,7 triệu lượt người của cùng kỳ năm trước. Việc thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam không những góp phần thúc đẩy ngành Du lịch phát triển mà còn góp phần kích cầu phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, đây chính là cơ hội cho phân khúc thị trường BĐS nghỉ dưỡng phát triển trong tương lai.
Sự phát triển của ngành Bán lẻ: Có thể nói rằng, ngành Bán lẻ của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng và phát triển tốt với vị thế đứng thứ 2 tại Đông Nam Á. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.983,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,6% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,5%). Chính vì vậy, nhu cầu về trên phân khúc thị trường BĐS bán lẻ có xu hướng tăng cao trong tương lai. Với diện tích từ 45.000 đến hơn 60.000 m2, mô hình Shopping Mall trở thành lựa chọn của không chỉ riêng tín đồ mua sắm mà còn thỏa mãn các nhu cầu giải trí của các gia đình, từ trẻ em đến người lớn tuổi.
Vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản: Trong 5 tháng đầu năm 2019, lĩnh vực BĐS thu hút vốn FDI đứng thứ hai trong tổng số 19 lĩnh vực thu hút vốn FDI của cả nước, đạt 742,3 triệu USD với 51 dự án cấp mới, chiếm 11,5%, tăng 119 triệu USD so với cùng kỳ năm 2018. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS đạt 627,9 triệu USD, chiếm 8,2%.
Như vậy, có thể thấy, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh BĐS tại Việt Nam. Hơn nữa, sau khi ký kết các hiệp định tự do hóa thương mại và mới đây nhất là Hiệp định CPTPP với cam kết cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường… nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Điều này mở ra kỳ vọng thị trường tăng trưởng mạnh về nguồn cung các sản phẩm BĐS, đặc biệt trên phân khúc BĐS công nghiệp.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc có thể tạo làn sóng dịch chuyển các cơ sở sản xuất sang Việt Nam, giúp cho thị trường BĐS công nghiệp gia tăng mạnh mẽ, kèm theo nhu cầu xây dựng các khu nhà ở, dịch vụ dành cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp sẽ có cơ hội phát triển.
Đầu tư cơ sở hạ tầng mới: Việt Nam trong những năm vừa qua cũng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm 2.000 km đường cao tốc mới. Giao thông thuận tiện sẽ tạo cơ hội cho nguồn cung của các thị trường ven đô phát triển, do các nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng của thị trường này trong tương lai.
Hoạt động thành lập/đăng ký mới các doanh nghiệp BĐS: Trong 5 tháng đầu năm 2019, đã có 3,17 nghìn DN đăng ký mới với loại hình hoạt động là kinh doanh BĐS, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy tính trung bình mỗi ngày, thị trường đón nhận khoảng 21 doanh nghiệp BĐS thành lập mới. Con số trên mở ra nhiều cơ hội cho thị trường BĐS phát triển nguồn cung hơn nữa trong những tháng cuối năm 2019.
Nguồn: taichinhtapchi.vn